Sẽ ra sao khi một xã hội mà ai cũng giống như ai. Nhu cầu thể hiện cái tôi, cái riêng của mỗi người là có thật. Anh chọn cái này rồi thì tôi chọn cái kia, cho dù cái kia chưa hẳn đã tốt bằng cái này của anh. Người ta làm thế có thể là do ý thích, có thể là do quan điểm nhưng chung quy cuối cùng cũng là muốn tạo ra cái gì đó khác với mọi người.
Mọi người ai cũng thích xài điện thoại xịn, bỗng dưng có người muốn dùng điện thoại cũ, càng cũ, họ càng thích. Với họ, thế là “sành điệu” và điều quan trọng là “không giống ai”.
Có ca sỹ lên sân khấu ăn mặc tinh tươm, lịch sự nhưng cũng có ca sỹ mặc toàn kiểu áo quần diêm dúa, đầu tóc bù xù.. Tất cả cũng chỉ muốn tạo được nét riêng trong mắt khán giả.
Thời phim Hàn Quốc mới xuất hiện ở Việt Nam, “hình ảnh” trong phim xuất hiện khắp đường phố, từ tóc tai, quần áo đến cách đi lại, cách nói chuyện, chào nhau. Thậm chí học sinh, sinh viên đi học, ôm sách vở cũng ôm theo kiểu Hàn Quốc. Ngày thường, người ta đi học chỉ có vài quyển vở và giáo trình, nhưng coi phim Hàn xong họ cũng ráng kiếm mấy quyển từ điển hay sách thiệt dày, ôm dọc theo người.
Thời tiết mùa noel lạnh buốt, mọi người nào là khăn choàng, găng tay, áo len nhưng cũng có “chú” diện bộ “mini váy” tung tăng khắp phố phường. Thời trang hơn thời tiết nhưng quan trọng là “không giống ai”, ăn mặc thế cho nó lạ.. Mà công nhận cũng lạ thật!
…Và còn nhiều kiểu thế này nữa.
Tốt hay xấu chưa biết nhưng rõ ràng nó đã tạo được cái gì đó riêng cho họ.
Vậy đó là PHONG CÁCH hay LẬP DỊ?
Phong cách và lập dị giống nhau ở chỗ, cả hai đều là cái riêng giữa bạt ngàn những cái chung.
Người lập dị và người có phong cách đều có điểm gì đó không giống với những người bình thường.
Phong cách là sự kết tinh, thăng hoa để rồi cuối cùng nó tạo ra nét riêng cho chủ thể.
Trong khi lập dị là sự cố tình làm khác với lẽ thường để tạo điểm riêng mà không cần biết nó là tốt hay xấu.
Nếu như những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, Văn Cao hay Trần Tiến v.v… luôn mang đậm phong cách của họ. Chỉ cần bài hát nghe thoảng qua cũng đủ làm người nghe nhận ra ngay đó là nhạc phẩm của nhạc sỹ nào, thì các nhạc sỹ trẻ bây giờ sáng tác ca khúc, hát xong nghe na ná nhau, phối âm, phối khí cứ hao hao như nhau, đôi lúc lại giống với nhạc nước ngoài. Trong khi, lời nhạc, ca từ thì bình thường ở mức tầm thường, hoàn toàn không có cảm thụ, rung động hay chiều sâu.
Cả hai trường hợp đều cho ra những nhạc phẩm đặc thù nhưng rõ ràng, một bên là sự cảm nhận tinh tế, đầy triết lý của người nhạc sỹ với một bên là sự “tầm thường” hóa những gì con mắt trần tục trông thấy.
Nghe nhạc Trịnh Công Sơn, càng ngẫm nghĩ, người ta càng thấy chí lý. Những điều Trịnh Công Sơn nói cách đây vài chục năm thì đến bây giờ vẫn còn đúng và có lẽ sẽ còn đúng nhiều năm sau nữa. Các nhạc sỹ “thị trường” bây giờ làm sao viết được những câu như “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui….. vì đất nước cần, một trái tim” hoặc như câu “…có khi nắng khuya chưa lên, mà một loài hoa chợt tím…”, những câu hát hết sức giản dị mà sâu sắc, đầy ý nghĩa.
Tạo điểm riêng là cần thiết, là động lực của sáng tạo và phát triển. Nhưng nó là Phong cách hay Lập dị thì không phải ai cũng phân biệt được.
Để trở thành Lập dị rất đơn giản nhưng để thành “Có phong cách” phải trải qua quá trình lao động và rèn luyện đầy khắc nghiệt.