Ngày nghỉ, ngồi đọc mấy cái tài liệu. Loay hoay, rớt cây bút bi xuống đất.
Mũi bút cắm ngay xuống nền nhà, nảy lên rồi rơi xuống.
Cây bút hư.
Chuyện bút bi rơi xuống đất chẳng có gì là lạ. Một sự va chạm bình thường và sự phản ứng tất yếu. Bút rơi xuống đất, bút nảy lên. Rơi càng mạnh, nảy càng cao.
Từ chuyện bút, ngẫm chuyện người.
Con người có xu hướng phản ứng lại với tất cả những gì tác động vào họ. Tác động tích cực, họ phản ứng tích cực. Tác động tiêu cực, họ sẽ phản ứng tiêu cực.
Những người phản ứng không phụ thuộc vào các tác động khác là những người có bản lĩnh. Tuy nhiên, mẫu người này hơi hiếm.
Chuyện đối nhân xử thế giữa người với người, thật ra cũng như cây bút bi rơi xuống đất. Rơi càng cao, nền càng cứng, bút càng nảy mạnh.
Trong cuộc sống, mình công kích người, người sẽ công kích mình.
Mình gay gắt với họ, họ sẽ gay gắt với mình.
Mình bức bối, bực bội, họ cũng sẽ cau mày nhăn nhó.
Mình nhẹ nhàng êm ái, họ không thể thô lỗ cục cằn.
Có lẽ vì câu nói: “Thà phụ người chứ không để người phụ ta” mà người ta luôn sợ bị tổn thương khi lòng tốt của mình bị phủ nhận phũ phàng.
Họ không dám tốt với ai khi chưa thật sự biết người khác tốt với mình.
Họ tin rằng thời buổi này “Thạch Sanh thì ít mà Lý Thông thì nhiều” nên người ta càng lo lắng, dè chừng.
Họ hay nói “Nó có tốt với tôi đâu, việc gì tôi phải tốt với nó ” hoặc “Tốt với tôi đi, tôi nói cho mà nghe”. Họ chẳng dám trao lòng tin cho bất kỳ ai. Với họ, lòng tốt luôn bị nghi ngờ. Họ chờ người ta đối xử tốt với mình rồi họ mới đối xử tốt lại. Nếu chẳng may, người khác bốn chín, họ cũng ráng là năm mươi.
Họ không tin, trao yêu thương sẽ nhận được yêu thương.
Họ sợ và họ chờ, cứ chờ.. mà chẳng biết phải chờ đến bao giờ.
Vậy sao phải chờ…trong khi chẳng biết phải chờ đến bao giờ.