Thời gian gần đây, mình được khá nhiều anh chị em bạn bè đồng nghiệp nhờ tư vấn chọn đàn Piano điện cũ. Cũng may mắn là đã giúp được vài anh chị em chọn được đàn phù hợp. Bản thân mình cũng đã rất vất vả, kỳ công mới chọn được cây đàn ưng ý cách đây 2 năm.

Hôm nay, mình xin chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm để chọn mua được một cây đàn Piano điện cũ.

Mind Map Chọn đàn piano điện cũ

1. Khảo sát thị trường

Trong những năm gần đây, nhu cầu mua sắm Piano ngày càng nhiều. Số lượng cửa hàng bán Piano cũng tăng lên nhanh chóng. Dù không nhiều như ở Hà Nội, Hồ Chí Minh nhưng việc tìm được một cửa hàng bán Piano điện ở các tỉnh thành khác cũng không còn là quá khó nữa. Do đó, việc đầu tiên là bạn phải khảo sát xem ở khu vực bạn ở, có những cửa hàng nào. Cửa hàng nào có qui mô lớn, cửa hàng nào hàng hoá phong phú, cửa hàng nào uy tín,…Sau khi đã lên được danh sách các cửa hàng bán đàn, bạn bắt đầu chuyển sang bước 2

2. Định mức khoản ngân sách cần đầu tư

Đây là bước quan trọng nhất. Bởi vì nó sẽ quyết định tất cả các bước còn lại. Nó sẽ chi phối toàn bộ tiêu chí lựa chọn đàn của bạn sau này. Với thị trường đàn Piano, hãy cứ tin vào câu “tiền nào của nấy”. Bởi rất khó có thể tìm được cây đàn giá rẻ mà chất lượng còn tốt. Tuy nhiên, nếu biết cách lựa chọn cộng với một chút may mắn, bạn hoàn toàn có thể chọn được một cây piano điện phù hợp với giá tiền mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Thông thường, đàn piano điện cũ dao động ở mức trên dưới 10 triệu đồng.

Với đàn ở phân khúc từ 5-10 triệu. Phần lớn là đàn rất cũ hoặc đã ra đời cách đây rất lâu. Do đo, nếu tài chính không quá eo hẹp, bạn nên chọn đàn tầm từ 10-15 triệu. Đây là phân khúc có nhiều sự lựa chọn hơn cho bạn. Giá không quá cao mà vẫn có thể tìm được đàn tốt. Khi đặt ngưỡng ngân sách đầu tư mua đàn, bạn hãy nhớ mục tiêu cuối cùng là mua được cây đàn tốt nhất trong tầm giá, sử dụng được lâu dài. Đàn rẻ mà chất lượng không tốt, âm thanh không hay thì không có cảm hứng ngồi đàn. Như vậy, tiết kiệm ban đầu nhưng cuối cùng thành ra rất lãng phí.

3. Khảo sát cửa hàng bán đàn

Sau khi có danh sách cửa hàng bán đàn và định mức ngân sách đầu tư, bạn sẽ chọn được một vài cửa hàng có thể đáp ứng được yêu cầu của mình. Hãy đến trực tiếp từng cửa hàng để xem đàn. Đừng vội mua ngay ở cửa hàng đầu tiên bạn đến mà hãy đi xem hết tất cả các cửa hàng bạn đã dự kiến. Đây là bước có thể làm bạn bối rối bởi vì những nguyên nhân sau:

  • Bạn không biết đàn
  • Bạn chưa có hiểu biết về đàn Piano điện, đặc biệt là đàn cũ
  • Bạn chưa biết cách kiểm tra đàn
  • Và có thể nhiều lý do khác nữa

Để giải quyết vấn đề này, bạn có thể nhờ một người có kinh nghiệm về mua đàn piano cũ, biết đàn càng tốt. Họ sẽ đi theo để tư vấn và chọn đàn giúp bạn.

Trường hợp đi một mình, bạn hãy nêu rõ yêu cầu với chủ quán là cần mua đàn trong khoảng tiền mà bạn dự định ban đầu. Nhờ họ giới thiệu và tư vấn cây đàn tốt nhất trong tầm giá đó.

Lưu ý, đừng vội tin những gì người bán đàn nói. Bạn cứ ghi nhớ hoặc thậm chí là ghi chép lại tất cả những điều họ nói và tiếp tục đối chiếu với các cửa hàng khác. Việc này sẽ tránh bị chủ cửa hàng nói dối hoặc nói quá về sản phẩm của họ. Mà thực tế thì người bán luôn nói tốt về sản phẩm của họ.

4. Thử đàn

thienvv.com thu dan

Nếu bạn là người biết đàn thì việc này cũng không quá phức tạp. Bởi vì bạn đã từng được nghe âm thanh Piano trước đó. Bạn biết tiếng piano nào hay, tiếng nào dở. Cảm giác phím bấm như thế nào là tốt, như thế nào là không tốt. Và đặc biệt, bạn biết gu piano của bạn như thế nào.

Nhưng nếu bạn không biết đàn thì sao?

Đừng lo, đó là lý do bạn đọc bài viết này.

Bạn có thể tham khảo những bước sau đây để có thể tự chọn được cây đàn ưng ý nhất

  • Bước 1: Chọn ngoại hình đàn

Chọn ngoại hình đàn cũng tương tự như bạn chọn một món đồ nội thất trong gia đình. Bạn chọn kiểu dáng, màu sắc và chất lượng bên ngoài của đàn. Thông thường, đàn Piano điện cũ có phần đế làm bằng gỗ. Các pedal làm bằng kim loại. Pedal sẽ với đàn bằng dây cắm.

Với các thành phần bằng gỗ, bạn xem nước sơn còn mới không, đã bị sơn lại chưa, có bị bong tróc gỗ ở phần nào không. Với piano điện cũ, đây là phần dễ nhận thấy nhất vì gỗ mà để lâu, cộng với các tác động vật lý trong khâu vận sẽ rất dễ bị hư hỏng và lộ khuyết điểm.

Với Pedal và dây cắm, bạn xem pedal có bị mòn nhiều chưa, dây cắm có còn tốt hay không, đầu cắm pedal vào đàn có bị lỏng hay rỉ sét gì không

Nếu phần gỗ chưa sơn lại mà bạn thấy ưng ý, hình thức pedal nhìn còn tốt thì như vậy là đạt tiêu chuẩn về ngoại hình.

Và điều quan trọng là bạn nhìn cây đàn đó bạn có thấy nó đẹp không, nếu mang về nhà, liệu người khác có thấy nó đẹp không. Và đặc biệt, nó có phù hợp với nội thất của nơi bạn dự kiến đặt cây đàn đó hay không.

  • Bước 2: Chọn tiếng đàn

Tuỳ gu nghe đàn của mỗi người mà việc chọn tiếng đàn cũng khác nhau. Có người thích âm trong, sáng. Có người thích âm trầm, ấm. Về âm đàn thì không có cái nào hơn cái nào. Cái này chủ yếu phụ thuộc gu của người chơi đàn.

Nếu bạn hoàn toàn chưa biết gì về phân biệt tiếng của đàn thì cũng đừng quá lo lắng. Hãy nhờ chủ quán đàn thử một đoạn nhạc bất kỳ cho bạn nghe. Rồi bạn so sánh đối chiếu với các âm thanh piano mà bạn đã từng nghe ở đâu đó là được. Khi nghe tiếng của cây đàn này, bạn nghe có thấy âm thanh piano quen thuộc, dễ chịu không. Nếu thấy nó giống giống với tiếng piano đã từng nghe thì như vậy là đạt.

  • Bước 3: Đánh thử

thienvv.com danh thu dan

Bạn hãy trực tiếp gõ thử vài phím ở giữa đàn và lần lượt gõ tất cả các phím đàn từ trái qua phải, bao gồm cả phím trắng và phím đen. Việc này thứ nhất là để kiểm tra chất lượng của từng phím xem chúng có còn hoạt động tốt không. Thứ hai là để kiểm tra độ nhạy của từng phím. Phím quá nặng hoặc quá nhẹ đều không tốt.

Phím quá cứng sẽ nhanh mỏi tay và khó chạy ngón, dễ bị vấp.

Phím quá nhẹ sẽ không tạo được cảm giác chạm vào phím đàn tốt. Âm lượng của tiếng đàn phụ thuộc việc nhấn mạnh hay nhẹ. Nhấn mạnh tiếng sẽ to, nhấn nhẹ tiếng sẽ nhỏ. Nếu bàn phím quá nhẹ, với lực bấm bình thường của ngón tay thì âm thanh lúc nào cũng to, nghe sẽ rất khó chịu. Nếu bạn để ý thì những bài piano người ta đàn, khi nào cũng có những đoạn tiếng nhỏ, tiếng to. Như vậy mới tạo được cảm xúc cho người nghe.

Một lưu ý dành cho bạn là phím đàn piano điện cũ hay gặp một lỗi phổ biến đó là dính phím. Nghĩa là phím khi nhấn xuống, nó không tự nổi lại được, hoặc nổi lên lại rất chậm. Như vậy là bị lỗi dính phím. Lỗi này nguyên nhân là do phần cơ cấu ở gốc của phím đã bị quá mòn, quá bẩn hoặc thậm chí đã từng bị sửa chữa nên nó không còn độ chuẩn như lúc đầu. Đối với một số piano điện có phím làm bằng gỗ, khí hậu cũng có thể là nguyên nhân gây ra lỗi này. Vì khi nhiệt độ, độ ẩm môi trường thay đổi, phím đàn có thể giãn nở gây kẹt phím. Đối với lỗi dính phím của phím đàn gỗ do ảnh hưởng bởi thời tiết thì có thể bỏ qua lỗi này. Nhưng nếu phím nhựa mà có hiện tượng dính phím, hãy bỏ qua cây đàn này.

  • Bước 4: Chọn hãng đàn

Có một số thương hiệu phổ biến ở Việt Nam bao gồm: Yamaha, Roland, Casio, Kawai, Korg. Bạn không nên quá đặt nặng về vấn đề thương hiệu bởi vì hãng nào cũng có những cây đàn tốt, phù hợp với bạn. Các dòng đàn của mỗi hãng đều có đặc trưng riêng về âm thanh. Miễn sao bạn chọn được hình thức, âm thanh mà bạn thích là được.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm quan sát của bản thân thì phần lớn nhạc công hoặc những người làm nghề nhạc, họ rất hay sử dụng nhạc cụ Yamaha. Đây cũng là một điểm bạn có thể tham khảo khi chọn đàn. Vì rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà phần lớn nhạc công, những người có khả năng thẩm âm rất tốt đều chọn Yamaha.

5. Một số lưu ý khác

Ngoài những nội dung mình nói trên, bạn cũng nên lưu ý thêm một vài chi tiết nhỏ sau đây:

  • Ghế ngồi

Đàn piano phải đi kèm ghế ngồi phù hợp. Không nên dùng các loại ghế gia dụng để ngồi đàn. Nếu có thể, hãy thương lượng với cửa hàng để tặng kèm ghế cho mình. Nếu không thì phải mua thêm ghế dành riêng cho đàn piano.

  • Nguồn điện

Có rất nhiều đàn có nguồn gốc xuất xứ từ Nhật nên khi về Việt Nam, cần lưu ý về nguồn điện của đàn. Nhật dùng điện 110V nên nếu không để ý, cắm vào điện của Việt Nam là hỏng đàn ngay. Ở các tiệm đàn, họ hay cắm vào bộ chuyển nguồn điện nhưng hay quên nói cho người mua biết. Hậu quả là chuyển đàn về nhà, cắm điện vào là tiêu cây đàn luôn.

Do đó, bạn cần lưu ý vấn đề này. Nếu được, hãy yêu cầu người bán chuyển luôn nguồn điện của đàn sang điện 220v cho tiện sử dụng. Và hiện nay, một số cửa hàng cũng đã chuyển nguồn điện của đàn ngay khi nhập về cửa hàng. Với trường hợp này, đàn đã được mở ra nên bạn cũng nên lưu ý ở những phần vít và phần gỗ, xem có dấu hiệu hư hỏng hay nghi ngờ gì không.

Ngoài ra, cũng nên yêu cầu người bán sử dụng biến thế loại tốt. Nếu dùng loại dỏm, có khả năng biến thế sẽ phát ra tiếng ồn khi có điện. Mặc dù âm thanh này nhỏ, không thể lấn át được tiếng đàn. Nhưng nếu ở phòng yên tĩnh hoặc đêm khuya, sẽ nghe tiếng này rất rõ và cũng rất khó chịu.

  • Bảo hành, hậu mãi

Và một điều không thể không có cuối cùng là chế độ bảo hành, hậu mãi. Về cơ bản, đàn piano điện thực chất cũng chỉ là một thiết bị điện tử. Mà đồ điện tử thì khả năng bị hỏng bất thình lình là hoàn toàn có thể nên nếu cửa hàng cam kết bảo hành tốt, cử người đến xử lý sự cố ngay, hoặc có dịch vụ sửa chữa tận nhà thì là một điểm cộng để chọn mua đàn ở đây.

Chúc bạn chọn được cây đàn ưng ý.

Được thưởng thức những bản nhạc do chính mình hoặc người thân của mình thể hiện là một niềm hạnh phúc tuyệt vời. Đàn Piano xứng đáng để bạn cân nhắc đưa vào danh sách những thứ cần có trong gia đình.

Và mình cũng sẽ rất vui nếu được bạn chia sẻ những clip đó ở phần bình luận bên dưới.

Share on facebook
Share on twitter
0 0 votes
Article Rating
Đăng ký
Thông báo
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

BÀI VIẾT GẦN ĐÂY

Lãnh đạo tỉnh thức

Lãnh đạo tỉnh thức

Lãnh đạo tỉnh thức là khả năng tự nhận thức và tự quản lý bản thân, đồng thời hiểu rõ tác động của mình đến người khác và môi trường xung quanh.

Tại sao chúng ta ghét người tiêu cực

Tại sao chúng ta ghét người tiêu cực và tại sao người tiêu cực lại phát triển hơn người tích cực. Một câu hỏi cho một vấn đề mà bạn

Cú tát của cuộc đời

Cú tát cuộc đời

Phàm đã là con người từ nhỏ đến lớn, chắc chắn đã không ít lần hoặc ít nhất cũng phải một lần bạn bị cuộc đời nó tát cho những

Làm gì khi gặp khó khăn

Làm gì khi gặp khó khăn

Khó khăn là gì và phải làm gì khi gặp khó khăn. Hàng ngày chúng ta vẫn hay đề cập đến dủ loại khó khăn nhưng có bao giờ chúng

© 2024 by thienvv.com

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
Scroll to Top